Mỗi đất nước, mỗi nền văn hóa có phong tục cưới hỏi riêng, mang đậm bản sắc dân tộc. Hãy cùng tìm hiểu những nét độc đáo trong đám cưới truyền thống của người Hàn Quốc.
Đám cưới truyền thống của người Hàn Quốc được gọi là Taerye. Lễ cưới được tổ chức linh đình, trang trọng, với nhiều thủ tục, nghi lễ kéo dài và cầu kỳ.
Trước ngày lễ cưới, gia đình nhà trai thường gửi một hộp quà (ham) hay còn gọi là yemul cho cô dâu. Những quà tặng này thường bao gồm các mảnh vải đỏ và xanh để may y phục truyền thống, cùng với đồ trang sức. Trước đây, hộp quà thường được đưa đến bởi một người hầu cầm, nhưng ngày nay, thường là bạn bè của cô dâu chú rể đảm nhận nhiệm vụ này.
Hộp quà này được giao cho cô dâu vào ban đêm và khi đến gần nhà cô dâu, người mang quà sẽ hô to “Mua hộp đi! Hộp để bán đây!” với vẻ mặt vui vẻ. Hộp quà sẽ chỉ được đưa cho bố mẹ cô dâu sau khi người mang quà nhận được đồ ăn, rượu và một khoản tiền. Khi nhận tiền, người mang quà sẽ đưa hộp cho mẹ cô dâu. Để trả công, người mang quà sẽ được mời ăn một bữa thịnh soạn. Trong khi đó, mẹ cô dâu sẽ mở hộp và kiểm tra những thứ bên trong.
Lễ cưới truyền thống Hàn Quốc thường được tổ chức ở nhà cô dâu, trong phòng ngoài hoặc sân. Buổi lễ bắt đầu bằng việc cô dâu và chú rể cúi chào nhau và tiến hành lễ giao bôi. Hai người đứng đối diện nhau trước bàn cưới. Trong suốt lễ giao bôi, cô dâu thường được một người hầu gái lớn tuổi hoặc một hoặc hai phụ nữ thông thạo về các thủ tục cưới xin giúp đỡ.
Lễ cưới diễn ra với nhiều nghi thức, phong tục theo truyền thống, từ cách cúi chào cho đến cách đi đứng, đều rất lễ nghi. Sau khi chú rể đến nhà cô dâu, đại lễ chưa được tiến hành và chú rể cũng chưa được vào nhà cô dâu ngay lập tức. Trước tiên, chú rể phải nghỉ tạm tại một ngôi nhà hàng xóm gần nhà cô dâu. Chờ đến giờ tốt, chú rể sẽ chỉnh tề trang phục, đầu đội khăn sa, mặc lễ phục và lưng buộc dải đai bước vào sân nhà cô dâu. Trên sân, nhà gái đã trải một chiếc chiếu, trên đó có đặt bàn thờ. Một đôi gà sống, hai đài nến, hai vò rượu cùng xôi, bánh trứng, và táo là những lễ vật để thờ cúng đã được bày biện trang nghiêm. Chú rể mang theo một con chim nhạn có màu sắc sặc sỡ, tiến lên trước bàn thờ và đặt con nhạn lên đó, sau đó quỳ và vái. Nghi lễ này ý chỉ chúc phúc cho chú rể và cô dâu cùng yêu thương và kính trọng nhau, không bao giờ chia lìa giống như những con chim nhạn. Sau đó, cô dâu và chú rể cúi chào nhau, uống rượu trao chén và thực hiện nghi thức vào tiệc mừng.
Đám cưới cũng là dịp để dân làng vui chơi, biểu diễn các trò chơi dân gian đặc sắc như đu dây, bập bênh, nhào lộn, múa hát…
Sau lễ cưới, chú rể sẽ phải đến nhà cô dâu và ở lại đó ba ngày trước khi đón cô dâu về nhà của mình.
Mặc dù người Hàn Quốc luôn có ý thức giữ gìn phong tục cưới xin truyền thống của mình, nhưng hầu hết các đám cưới ngày nay đều bị ảnh hưởng bởi phương Tây. Chú rể thường mặc trang phục comlê phương Tây và bước vào phòng cưới khi đã có sẵn khách mời và tiếng nhạc piano. Cô dâu trong trang phục váy cưới phương Tây được cha dắt tay đưa vào phòng cưới, và ở đó chú rể sẽ sánh đôi cùng cô dâu. Đứng đối diện với nhau trước chủ hôn, cô dâu và chú rể sẽ nói lời thề nguyền và tặng quà cho nhau. Người chủ hôn thường có một bài thuyết giảng dài về tình yêu, hôn nhân và các trách nhiệm xã hội mới liên quan đến đời sống hôn nhân. Sau đó, cô dâu và chú rể cúi chào khách mời. Ngoài buổi tiệc cưới thịnh soạn, thường có hoạt động chụp ảnh kỷ niệm.
Mặc dù lễ cưới ở Hàn Quốc đã thay đổi nhiều, tính lễ nghi đã mất đi một phần và một số thủ tục đã bị coi là rườm rà cũng bị loại bỏ, nhưng những tập tục truyền thống cơ bản vẫn tạo nên nét đẹp trong văn hóa cưới của người Hàn Quốc và được gìn giữ và phát huy.